Nhảy đến nội dung

Bão lũ qua đi, tác động của biến đổi khí hậu vẫn còn đó

Người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhận hỗ trợ nhu yếu phẩm từ AAV, Quỹ AFV và Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế

Cùng miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt và sinh kế lâu dài

Ông Đặng Thế Nhân, Trưởng phòng Chương trình sinh kế thích ứng với BĐKH và cộng đồng an toàn, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam

Tôi vẫn trăn trở về cuộc sống tiếp theo của người dân miền Trung sau đợt 8 cơn bão liên tục vào miền Trung Việt Nam hồi cuối năm 2020.   

Từ cuối tháng 9/2020, miền Trung phải oằn mình hứng chịu 8 cơn bão liên tiếp, dẫn đến tình trạng sạt lở tồi tệ nhất trong 100 năm qua. Tin tức về miền Trung xuất hiện liên tục trên các báo đài. Cả Việt Nam đều hướng về miền Trung, đồng cảm sâu sắc với nỗi đau và mất mát của đồng bào mình nơi đất lũ.

Ở cấp độ toàn cầu, số liệu của Thực thể Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ (UN Women) khẳng định rằng biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho mọi nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số họ là phụ nữ.

Trong khi đó, riêng trong đợt bão lũ vừa qua, hơn 1.5 triệu trẻ em miền Trung có nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng kém và chậm phát triển (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc). Chính vì vậy, công tác hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu cần được nghiên cứu kĩ lưỡng và thực thi triệt để.

Trường Tiểu học và THCS Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị tàn phá nặng nề sau đợt bão lũ cuối năm 2020
Trường Tiểu học và THCS Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị tàn phá nặng nề sau đợt bão lũ cuối năm 2020

Cuối tháng 11/2020, đoàn chúng tôi - ActionAid Việt Nam (AAV) và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội (AFV) đã có dịp làm việc với Hội Nhà báo tại bốn tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi để triển khai chương trình “Hỗ trợ khắc phục hậu quả và phục hồi sinh kế sau bão lũ tại miền Trung - Giai đoạn 1”. Trong mưa bão, đoàn đã tới khảo sát thực trạng tại một số khu vực chịu ảnh hưởng. Phải đến tận nơi, nhìn thấy một phần hoàn cảnh mà các hộ gia đình và trường học đã trải qua, tôi cảm nhận sâu sắc sức tàn phá kinh hoàng của thảm hoạ thiên nhiên với người dân miền Trung.

Chúng tôi được gặp những người phụ nữ can trường, dù bão lũ đã cuốn trôi hết nhà cửa của họ, vẫn luôn nở nụ cười lạc quan. Chúng tôi chứng kiến nhiều hộ gia đình phải sống trong các “chòi” chật hẹp tại khu tái định cư, bất chấp mối đe doạ về sức khoẻ và vệ sinh. Ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), 65 em học sinh chen chúc nhau trong một căn phòng chưa rộng đến 100m2, vừa học tập vừa sinh hoạt tại chỗ, do một phần ký túc xá và lớp học của các em đã bị lũ cuốn, trong khi phần còn lại không đủ an toàn, nên nhà trường phải dùng tạm phòng đọc cũ của thư viện này để các em sử dụng, dù phòng rất chật, ẩm ướt và ít ánh sáng.  

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Xã A Xan, Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Xã A Xan, Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Biến đổi khí hậu đang làm tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bởi vậy, điều làm tôi trăn trở là sau những lần hỗ trợ khẩn cấp cho người dân nơi đây ứng phó với thiên tai, đâu mới là cách tốt nhất để giúp họ thực sự làm chủ cuộc sống của mình trước những thảm hoạ từ biến đổi khí hậu.

“Mục tiêu của Quỹ AFV không chỉ là hỗ trợ khẩn cấp để người dân có thể khắc phục ngay mà mong muốn những biện pháp hỗ trợ mang tính bền vững và lâu dài.” - Chị Trần Bích Hạnh, Thành viên HĐQL Quỹ AFV, chia sẻ.

Nhìn lại câu chuyện bão lũ, chúng ta có thể thấy cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn cho đối tượng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai cần sự chuyên nghiệp trong công tác điều phối, đặc biệt trong giai đoạn hậu lũ lụt. Trên thực tế, nhu cầu của người dân ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn sau thiên tai là khác nhau. Vì vậy, ứng phó và hỗ trợ phục hồi sinh kế cho người dân hậu thiên tai là hoạt động phức tạp, cần sự tham gia của các tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Bởi lẽ, câu chuyện về biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng nặng nề của nó tới bão lũ tại miền Trung Việt Nam mới chỉ là bắt đầu.

Người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhận hỗ trợ của AAV, Quỹ AFV và Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế để ổn định sinh kế sau bão lũ
Người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhận hỗ trợ của AAV, Quỹ AFV và Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế để ổn định sinh kế sau bão lũ

Tháng 2/2021, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội (AFV) đã có chuyến nghiệm thu các công trình hỗ trợ xây sửa tại bốn trường học và cấp phát đồ dùng học tập cho hai trường mầm non tại Huế và Quảng Trị. Hợp tác với Hội Nhà báo ba tỉnh miền Trung cùng các nhà tài trợ JW Marriot, TFCF, IHART, Give2Asia, chương trình “Hỗ trợ khắc phục hậu quả và phục hồi sinh kế sau bão lũ tại miền Trung - Giai đoạn 1” đã ghi nhận những thành công đầu tiên trong nỗ lực phục hồi sinh kế cho các đối tượng dễ bị tổn thương bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Xin mời Quý vị bạn xem video tổng kết hành trình này qua video dưới đây!

Xin cảm ơn Quý vị đã trao cho chúng tôi sự tin cậy, ủng hộ và đồng hành.
Cùng nhau chúng ta sẽ trở lại mạnh mẽ hơn!