Nhảy đến nội dung

KỸ NĂNG SINH TỒN CHO TRẺ EM MÙA MƯA BÃO – VIỆC CẤP THIẾT CẦN LÀM NGAY

Đoàn Minh Hòa, 12 tuổi, học sinh lớp 6 trường Liên cấp TH và THCS Điền Công

TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - Đoàn Minh Hòa: “Em mong được học kỹ năng sinh tồn để em có thể tự bảo vệ mình khi có bão, lũ hay thảm họa, nhiều bạn khác của em trong khu Điền 3 và các bạn trong trường đến bây giờ vẫn còn rất sợ hãi vì cơn bão vừa qua”.

Đoàn Minh Hòa, 12 tuổi, học sinh lớp 6 trường Liên cấp TH và THCS Điền Công, khu Điền Công 3, Phường Trưng Vương, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nhà Hòa có 4 người, bố mẹ và anh trai đã đi làm, bố Hòa làm đầm nuôi cá, mẹ làm nghề nông, nhà Hòa ở khu 3 Điền Công là một trong số 3.006 hộ tại Uông Bí chịu ảnh hưởng nặng nề vừa bị tốc mái, vừa bị ngập nước do ảnh hưởng cơn bão số 3.

Vào sáng ngày 7 tháng 9, bão đổ bộ vào Uông Bí, thấy tình hình bão có vẻ nghiêm trọng và được chính quyền địa phương thông báo về việc di dời người đến nơi an toàn để tránh trú nên bố của Hòa đã đưa em đi ở nhờ nhà bà ngoại ở xã Sông Khoai, huyện Quảng Yên để tránh bão. 

 

Em Đoàn Minh Hòa, 12 tuổi, học sinh lớp 6
Em Đoàn Minh Hòa, 12 tuổi, học sinh lớp 6
Văn Quyết

Hòa cho biết: “Sau khi đưa em đến nhà bà ngoại thì bố trở về nhà để cùng với mẹ chống bão, vì không hình dung được bão quá lớn, nên bố mẹ em không kịp cất đồ đạc, bố đưa em đi vội vàng nên em chưa kịp mang sách vở theo. Toàn bộ đồ đạc trong nhà và sách vở của em bị hỏng hết do ngập lâu trong nước”.

Do ảnh hưởng của bão, toàn bộ cá trong đầm cũng như hoa màu và lúa của gia đình Hòa cũng bị ngập úng và mất trắng, hiện tại bố Hòa hàng ngày sửa đầm để nuôi lứa mới, còn mẹ em sửa sang dọn dẹp nhà cửa sau bão, cả gia đình sinh hoạt vô cùng khó khăn vì cho đến hiện tại vẫn chưa có điện, chưa có nước, đồ dùng sinh hoạt bị hỏng, thực phẩm như lúa, gạo bị ngâm nước lâu ngày không dùng được, … chưa khi nào Hòa phải sống trong điều kiện khó khăn đến vậy, đến bây giờ Hòa vẫn chưa có một chỗ ngồi an toàn và sạch sẽ để có thể yên tâm học tập, nỗi lo sợ vẫn còn hiện rõ trên đôi mắt của em. 

Hòa cho biết: “Không chỉ nhà em bị ảnh hưởng mà các hộ ở khu nhà em đều bị ảnh hưởng như vậy, em và các bạn rất buồn và lo sợ, chỉ mong nhà em được trở về như ngày xưa, được bình yên”.

Mái Nhà
Những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại trường Liên cấp TH và THCS Điền Công
Văn Quyết

Sau 10 ngày ảnh hưởng của bão Yagi Hòa mới được đến trường, tuy nhiên ở trường hiện nay chưa có điện, chưa có nước nên việc học tập của em ở trường cũng gặp không ít khó khăn. 

Hòa cho biết thêm: “Chúng em đã từng được tập huấn về phòng chống bạo lực học đường, an toàn giao thông nhưng chưa khi nào được biết về tập huấn hay diễn tập phòng chống thiên tai, vậy nên khi có mưa bão chúng em chưa biết phải làm gì để bảo vệ mình và người thân trong gia đình”.

Khi được hỏi bây giờ em mong muốn điều gì nhất, Hòa cho biết:

 

 

“Em mong được học kỹ năng sinh tồn để em có thể tự bảo vệ mình khi có bão, lũ hay thảm họa, nhiều bạn khác của em trong khu Điền 3 và các bạn trong trường đến bây giờ vẫn còn rất s hãi vì cơn bão vừa qua”.

Trước thiệt hại của bão Yagi, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả và hỗ trợ cộng đồng sớm trở lại ổn định cuộc sống, sản xuất. Các hộ mất nhà cửa sẽ được địa phương hỗ trợ ngân sách để sửa nhà với mức 25 triệu đồng/hộ và xây mới với mức 50 triệu đồng/hộ. Đối với ngành giáo dục thành phố đã ban hành Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2024-2025 với tổng ngân sách lên đến 167 tỷ đồng, điều này phần nào giúp các gia đình có con em đi học vơi bớt khó khăn, trẻ em yên tâm tiếp tục đến trường. 

Mặc dù ngân sách địa phương hỗ trợ cho khôi phục các công trình, nhà cửa và giáo dục không hề nhỏ và không phải địa phương nào cũng có khả năng làm được, tuy nhiên về lâu dài, việc hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng để họ có thể yên tâm sản xuất và xây dựng năng lực cho họ để chủ động ứng phó với thiên tai là việc cần được địa phương quan tâm và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Hết -