Gói hỗ trợ 26.000 tỷ - Đúng và trúng?
Ngày 7/7/2021 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP phê duyệt gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (tương đương 1.2 tỷ USD) cho các đối tượng bị đại dịch ảnh hưởng. Với phương châm đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian, gói hỗ trợ có thể đến được đúng người cần một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Gói hỗ trợ lần này rút ngắn thời gian xét thủ tục chỉ còn 4 ngày và thêm 3 ngày để giải ngân, tức là tối đa 7 ngày từ khi gửi hồ sơ thì người dân, doanh nghiệp có thể nhận được tiền hỗ trợ, đặc biệt với nhóm hướng dẫn viên du lịch chỉ 4 ngày. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ cũng giảm đáng kể các điều kiện, như thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Những điểm nổi bật khác của gói hỗ trợ bao gồm:
- Đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, mức hỗ trợ một lần là 1,855 triệu đến 3,71 triệu đồng/người.
- Lao động ngừng việc để cách ly y tế, hoặc trong khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng.
- Lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ tiền mặt một lần 3,71 triệu đồng.
- Các F0, F1, trẻ em dưới 16 tuổi nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày trong thời gian điều trị, cách ly (không quá 21 ngày đối với F1, 45 ngày đối với F0; riêng trẻ em là F0, F1 nhận thêm 1 triệu đồng/em).
- Viên chức hoạt động nghệ thuật trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị trong lực lượng vũ trang), hướng dẫn viên du lịch có thẻ (còn hạn sử dụng) nhận hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng.
- Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được nhận 3 triệu đồng.
- Doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
ActionAid Việt Nam hoan nghênh bước đi chiến lược này của Chính phủ Việt Nam và tin rằng gói hỗ trợ này sẽ đến được với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm cả các lao động chưa được hỗ trợ trong gói năm 2020 như hướng dẫn viên du lịch, lao động phi chính thức, những người (và trẻ em) bị cách ly.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, gói hỗ trợ này là nỗ lực rất lớn của Nhà nước. Tuy còn cần thời gian để đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách nhưng trước mắt Nghị quyết đã làm an lòng nhiều người dân.
Đại dịch gây nhiều áp lực lên ngân sách quốc gia, trong khi các công ty đa quốc gia vẫn được hưởng rất nhiều ưu đãi thuế, làm cho đầu vào của ngân sách càng chịu nhiều ảnh hưởng. Theo tính toán của ActionAid, số thuế mà ba công ty công nghệ lớn nhất thế giới được ưu đãi trong năm 2019 tại Việt Nam đủ để trả lương một năm cho 35.000 điều dưỡng viên trong cả nước. Thực tế này đòi hỏi Nhà nước cần cân nhắc rất cẩn thận khi quyết định ưu đãi thuế và các công ty đa quốc gia cần thực hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức của mình khi kinh doanh tại Việt Nam.
Bất chấp những thành công ban đầu của Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát ba đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào năm 2020 và đầu năm 2021, cả nước đang hứng chịu làn sóng COVID-19 lần thứ tư kể từ tháng 04/2021. Trước tình hình đó, dự án Bữa ăn Hy vọng– Mang bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho người dân chịu hậu quả của đại dịch COVID – 19 đã nhanh chóng được triển khai nhằm cung cấp những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho người dân ở ba điểm dịch lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.
Hãy cùng ActionAid Vietnam tham gia hỗ trợ cộng đồng dễ tổn thương tại Việt Nam ứng phó tốt hơn với đại dịch COVID-19 TẠI ĐÂY hoặc quét mã QR sau: