BfdW và các bên hợp tác chiến lược xây dựng quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và giảm thiểu BĐKH mạnh mẽ hơn ở khu vực ĐBSCL
Read the news in English HERE.
Với tổng kinh phí lên tới 920.000 EURO - tương đương 23,5 tỷ đồng, Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đồng tài trợ, đã được triển khai trong giai đoạn 2021-2023. Dự án hướng đến góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi hàng triệu người dân và hệ thống động thực vật phong phú đang lâm nguy do mất đi sinh kế, môi trường sống, cùng với đó là tình trạng xây dựng các đập thủy điện và nhà máy ở thượng nguồn liên tục tái diễn.
Dự án sẽ xây dựng các giải pháp thay thế giúp cộng đồng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất và chế biến tôm, cua, cũng như tìm kiếm những sáng kiến trong trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL. BfdW, ActionAid và các đối tác đồng thời đang thiết lập các phương pháp khoa học hợp lý nhằm đo lường mức độ phát thải các-bon trong các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến và đóng gói tôm, cua tại tỉnh Bạc Liêu – nơi mà 100% sinh kế của người người dân địa phương dựa vào các hoạt động này – từ đó hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tự nhiên dưới rừng ngập mặn.
Trong hai ngày 27-28/7/2022, đại diện BfdW và ActionAid đã có chuyến thăm các xã dự án tại huyện Đông Hải. Đoàn đã tiến hành một cuộc thảo luận hiệu quả với nhóm đo lường phát thải khí nhà kính (GHG) tại Trường Đại học Cần Thơ; gặp gỡ các thành viên nhóm năng lượng sạch, cũng như Ban Quản lý Dự án. Bên cạnh đó, đại diện BfdW và ActionAid cũng đã đến thăm địa điểm Dự án đã hỗ trợ người dân địa phương cây giống để nuôi trồng thủy sản dưới rừng ngập mặn và tham quan khu vườn chim sinh thái tự nhiên ở xã Long Điền Tây. Trong tất cả các hoạt động, đoàn đều nhận được sự chào đón nồng nhiệt và có dịp chia sẻ cởi mở với các đối tác, cộng đồng địa phương và cảm thấy rất vinh dự khi được tiếp cận nhiều kiến thức mới mang tính thực tiễn.
Việc hợp tác giữa Đại học Cần Thơ, ActionAid và BfdW thể hiện mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững hơn cho mục tiêu giảm phát thải KNK trong nuôi trồng, sản xuất và chế biến tôm ở Việt Nam. Dự kiến, các phương pháp đo KNK do Dự án thiết lập sẽ không chỉ được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam mà còn là tài liệu khoa học được nhân rộng và áp dụng tại các vùng nhiệt đới.
Ông Tô Minh Đương - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - đánh giá cao việc Dự án hỗ trợ cộng đồng địa phương và khẳng định sự hợp tác giữa dự án và Hạt Kiểm lâm là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược tổng thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Hải từ nay đến 2026. Sự tham gia của dự án và hiệu quả ban đầu đã thể hiện những cam kết của Đông Hải trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm do ông Thomas Hirsh, Cố vấn Cấp cao của VEST - Văn phòng BfdW Khu vực Việt Nam và Lào, làm trưởng đoàn, cùng các thành viên của VEST và ActionAid Việt Nam. Đoàn đã có những trải nghiệm thưởng ngoạn phong cảnh thanh bình, thời tiết đẹp, ẩm thực tuyệt vời và lòng hiếu khách của những người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.